VIÊM NƯỚU RĂNG & NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

Thứ Bảy, 27-05-2023

Cùng với sâu răng, viêm nướu (còn gọi viêm lợisưng nướu) rất thường gặp ở mọi người. Có thể nói đây là hai “thứ” bệnh nha khoa mà ai cũng có thể dễ dàng mắc phải một trong hai, hay xui xẻo thì “bị” cả hai! Hơn nữa việc mắc bệnh này rất “dai dẳng”, có thể cứ bị đi bị lại suốt đời sống của con người (cho đến khi hết … răng mới thôi!). Vậy viêm nướu răng là gì và vì sao ta lại bị viêm nướu?

Nướu răng (còn gọi là lợi răng) là phần mô mềm màu đỏ hồng bao quanh răng. Viêm nướu răng chính là viêm (nhiễm trùng) tại phần mô mềm này. Các bạn hãy chú ý nhìn một hình ảnh điển hình của nướu răng lúc khỏe mạnh như dưới đây, để sau đó có thể nhận ra hình ảnh của nướu lúc bị viêm.

Nướu răng ở trạng thái khỏe mạnh. Các gai nướu giữa các răng thường có đỉnh nhọn.

Thực ra ở trạng thái khoẻ mạnh nướu răng không “dính” hoàn toàn tất cả vào răng (ở phần nối giữa thân răng và chân răng). Phần trên của nướu răng chỉ “áp sát” (chứ không dính chặt vào) bề mặt răng.

Do đó giữa nướu răng và bề mặt răng hình thành nên một khe rất nhỏ, gọi là khe nướu, với độ sâu chừng 1mm. Mọi thứ “rắc rối” với nướu răng thường bắt đầu từ đây, khe nướu.

– Ngoài bìa trái là hình chụp thực của một răng hàm dưới đã được nhổ ra ngoài.
– Ở giữa là hình ảnh của một phim X-quang chụp một số răng ở hàm dưới. Phim X-quang giúp quan sát được chân răng nằm trong xương hàm cũng như màng nha chu, còn gọi làdây chằng nha chu, liên kết chân răng với xương hàm (thể hiện trên phim X-quang là một viền đen mỏng bao quanh chân răng).
– Hình ngoài bìa phải vẽ phác cấu tạo của răng và mô nha chu (mô bao bọc quanh răng). Một góc hình vẽ được “phóng” lớn để thấy được khe nướu như dưới đây.

Hình vẽ trên cho thấy khe nướu, là khoảng trống giữa bề mặt răng ((ở phần nối giữa thân răng và chân răng)) và nướu răng. Hình vẽ trên cũng mô tả bốn thành phần của mô nha chu, là các tổ chức bao bọc quanh răng, gồm nướu răng, màng (dây chằng) nha chu, xê-măng (cement) và xương ổ răng (một phần của xương hàm sát với chân răng). Bình thường, khi khỏe mạnh, nướu răng sẽ áp sát vào bề mặt răng. Trong trường hợp nướu răng bị viêm, thường là do có vôi răng đã nằm trong khe nướu, nướu răng sẽ bị hở ra so với bề mặt răng, không ôm sát vào bề mặt răng nữa.

Nguyên nhân của viêm nướu răng

Sau khi ăn uống, dù có cố gắng chải răng sạch sẽ đến đâu ta cũng không thể làm sạch hoàn toàn răng. Nghĩa là, sẽ vẫn có chút ít mảnh vụn thức ăn (bựa răng) mắc kẹt lại đâu đó ở các kẽ răng, khe nướu. Các “thứ” này lắng đọng xuống khe nướu, lâu ngày tạo nên vôi răng (còn gọi là đá răng, hay cao răng).

Vậy có thể hiểu một cách “nôm na”, bựa răng là các thứ “cặn bã, rác rưởi” sót lại từ việc ăn uống. Nói nghe thấy ghê, nhưng bản chất của vấn đề đúng là như vậy. Các bạn thử hình dung một tình huống sau. Một đĩa đồ ăn thừa để dành qua ngày hôm sau sẽ thế nào? Bạn có thể ngửi thấy mùi hôi phải không? Đó là do vi khuẩn đã phát triển trong đồ ăn thừa, làm phân huỷ thức ăn. Thức ăn bị thối rữa và có mùi hôi. Bựa răng và thức ăn thừa trong đĩa đồ ăn đó là như nhau cả thôi. Như vậy, bựa răng không chỉ làm miệng có mùi hôi mà còn làm “ổ” cho vi trùng phát triển. Bựa răng khi dính vào nướu tạo điều kiện cho vi trùng phát triển trên bề mặt nướu, làm cho nướu bị viêm.

Khi nào ta biết nướu bị viêm?

Ê buốt răng khi uống nước lạnh, nóng hay khi có hơi gió rít qua kẽ răng, … là những dấu hiệu rất thường gặp khi nướu bị viêm. Bạn có thể nhìn thấy nướu răng có quầng đỏ bầmquanh các chân răng, hay các gai nướu ở kẻ răng sưng tomất đỉnh nhọn. Ngoài ra có thể có thêm dấu hiệu chảy máu nướu khi chải răng (đánh răng) hay xỉa răng. Có người còn thấy răng bị đau (hay thốn) khi nhai trúng . Các dấu hiệu này có khi nặng nề (làm người bệnh không ăn nhai được, lo sợ phải đi khám ở nha sĩ ngay), nhưng cũng có khi nhẹ nhàng, thoáng qua, có thể tự hết sau vài ngày. Do đó khi thấy các dấu hiệu như ê buốt chân răng, chảy máu nướu, … các bạn phải nghĩ ngay đến nướu răng bị viêm.


Vài hình ảnh viêm nướu răng so với trường hợp bình thường.

Làm sao để không bị viêm nướu răng?

Giữ răng luôn sạch bằng cách chải răng ngay sau khi ăn là “cây đũa thần” để phòng bệnh viêm nướu (và cả sâu răng nữa). Lưu ý rằng, bựa răng ở giai đoạn đầu mới hình thành thì mềm nhưng về sau khi đã chuyển thành vôi răng thì cứng (do có các thành phần muối khoáng trong nước bọt theo thời gian kết tụ dần vào). Ta có thể chải sạch bựa răng (mềm) nhưng không thể “chải” vôi răng (cứng) vì khi đó vôi răng đã bám chặt vào bề mặt răng. Chỉ có nha sĩ với dụng cụ thích hợp mới có thể “cạo” các vôi răng này khỏi bề mặt răng.

Viêm nướu răng liên quan đến bựa răng và vôi răng. Bựa răng và vôi răng trong miệng là kết quả của việc ăn uống (mà người ta thì không thể … không ăn uống!), mảnh vụn thức ăn tích tụ lại ở kẽ răng, khe nướu. Thế nên chẳng bao giờ ta có thể loại trừ được hoàn toàn viêm nướu răng ngoại trừ khi … rụng hết răng (vì không còn khe kẽ nào để mảnh vụn thức ăn tích tụ lại nữa)!

Hãy cố gắng làm một vài điều căn bản sau đây thì bạn có thể tự làm giảm thấp khả năng bị viêm nướu (và cả sâu răng nữa):
– Chải răng sạch ngay sau khi ăn;
– Súc miệng kỹ sau khi ăn, nếu không thể (có chỗ, có điều kiện) chải răng;
– Đi khám răng định kỳ mỗi sáu tháng và làm vệ sinh răng (cạo vôi răng);
– Đi khám bệnh ở nha sĩ ngay khi có cảm giác khác thường ở răng miệng.

Cần chú ý gì nữa ở bệnh viêm nướu răng?

Điều quan trọng cần nhớ là, cho dù dấu hiệu bệnh viêm nướu là nhẹ và có thể tự hết sau vài ngày, nhưng nếu bệnh trở đi trở lại trong thời gian ngắn, điều đó có nghĩa bạn không còn có thể tự giải quyết vấn đề của mình (chỉ bằng cách chải răng nữa). Hàm răng của bạn cần được nha sĩ khám để xem có vôi răng không. Nếu có, vôi răng cần phải được cạo đi. Điều trị kịp thời viêm nướu sẽ giúp nướu trở về tình trạng khỏe mạnh ban đầu.

Việc tái phát liên tục của viêm nướu sẽ dẫn đến một tình trạng nặng hơn là viêm nha chu, một trường hợp bệnh lý không thể hồi phục của nướu răng và các phần nâng đỡ khác cho răng (nghiã là, dù có chữa lành cũng không còn trở lại … được như xưa!). Đừng để viêm nướu chuyển qua giai đoạn này, nếu không, bạn sẽ phải hối tiếc!

Nguồn: Phòng khám Đa khoa Vigor Health


Tin liên quan


trào ngược dạ dày

BIẾN CHỨNG ẢNH HƯỞNG XẤU CỦA BỆNH LÝ TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN

Thứ Ba, 14-05-2024


VIÊM ÂM ĐẠO DO NẤM - TRIỆU CHỨNG NHƯ THẾ NÀO

VIÊM VÙNG KÍN DO NẤM – TRIỆU CHỨNG NHƯ THẾ NÀO?

Thứ Sáu, 10-05-2024


CẢNH BÁO SỨC KHỎE TRƯỚC THỜI TIẾT OI BỨC HIỆN NAY

Thứ Hai, 06-05-2024


[Hot] RA MẮT GÓI KHÁM TẦM SOÁT ĐỘT QUỴ

Thứ Sáu, 03-05-2024