BẢO VỆ TRẺ TRƯỚC DIỄN BIẾN PHỨC TẠP CỦA BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
Thứ Tư, 02-08-2023
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng gần 15 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 7 trường hợp tử vong.
Bệnh tay chân miệng là gì?
Theo quyết định số 1732/QĐ-BYT, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Giai đoạn ủ bệnh của tay chân miệng kéo dài từ 3 đến 7 ngày, có thể lên đến 10 ngày. Bệnh lây lan rất nhanh thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh.
Vì cách thức lây truyền bệnh khá nhanh nên tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch lớn. Khi một trẻ mắc bệnh, nếu không có những biện pháp phòng tránh kịp thời thì những trẻ xung quanh cũng có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.
Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp.
Hãy cùng Vigor xem qua những biện pháp quan trọng cần áp dụng để bảo vệ trẻ:
– Vệ sinh hằng ngày, đảm bảo diệt khuẩn cho trẻ: Dạy con nhỏ cách rửa tay thật sạch với xà phòng và nước thường xuyên, đặc biệt sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Giữ cho không gian sống sạch sẽ bằng cách lau chùi và diệt khuẩn các bề mặt thường xuyên tiếp xúc.
Bên cạnh đó, đeo khẩu trang khi đi đến những không gian công cộng, như trường học, bệnh viện, siêu thị… cũng là một cách hiệu quả để bảo vệ con trẻ trước sự lây lan của bệnh. Đặc biệt hướng dẫn bé sử dụng (tháo, mở) khẩu trang đúng cách để tránh vô tình tiếp xúc với rủi ro sức khỏe.
Tập thói quen không đưa tay lên mũi, miệng, mắt, bởi vì đây là những khu vực dễ bị xâm nhập bởi vi khuẩn.
Ngoài ra, chuẩn bị khăn giấy riêng cho trẻ mang theo cũng phần nào hạn chế rủi ro lây nhiễm hoặc vô tình chạm phải các nguồn lây nhiễm.
– Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng: Đảm bảo con được ăn uống đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi đầy đủ. Nên thúc đẩy việc vận động và rèn luyện thể chất thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho con.
Con trẻ cần được cung cấp đầy đủ các loại thực phẩm và chất dinh dưỡng, nhất là Vitamin C và E có trong các loại thực phẩm như:
- Các loại rau xanh như cải ngọt, cải bó xôi, cải xoăn, rau muống, bông cải xanh, cà chua, cà rốt, khoai tây, bí đỏ…
- Trái cây: cam, bưởi, dưa hấu, táo, lê, kiwi, dâu tây, việt quất, chanh leo…
- Thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá hồi, hạt chia, đậu nành, thịt heo…
– Phòng ngừa lây lan, tránh tiếp xúc bên ngoài khi con mắc phải: Nếu con bị bệnh, hãy giữ con ở nhà và tránh đưa con đến những nơi đông người để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Dùng khăn giấy hoặc kín miệng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó rửa tay thật sạch.
– Chuẩn bị đầy đủ trang bị y tế cần thiết: Đảm bảo các biện pháp y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc men kháng sinh, nước muối sinh lý, nước súc miệng… sẵn sàng để ứng phó khi cần thiết.
– Tìm hiểu triệu chứng và biến chứng nặng để điều trị kịp thời: Các phụ huynh cũng nên nắm rõ triệu chứng của bệnh tay chân miệng để có thể nhanh chóng phát hiện và can thiệp sớm nếu con mắc phải.
Nếu nghi ngờ con có triệu chứng của bệnh tay chân miệng, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc các cơ quan y tế để được tư vấn và kiểm tra sức khỏe của con kịp thời.
Ba mẹ yêu thương hãy đặt sức khỏe của con làm ưu tiên hàng đầu. Cần áp dụng những biện pháp bảo vệ thường xuyên và đều đặn hằng ngày để giữ cho con có một sức khỏe tốt trong môi trường dịch bệnh phức tạp.
Nguồn: Báo tuổi trẻ