BỆNH TRĨ – PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ TÍCH CỰC

Thứ Sáu, 14-04-2023

1. BỆNH TRĨ LÀ GÌ

Bệnh trĩ (dân gian còn gọi là bệnh lòi dom) là hiện tượng giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn trực tràng. Bình thường các mô này sẽ giúp kiểm soát sự tống phân ra ngoài. Khi các mô này bị viêm và sưng phồng lên thì gọi là trĩ.

Sự giãn các đám rối tĩnh mạch trĩ trên tạo thành trĩ nội, sự giãn các đám rối tĩnh mạch trĩ  dưới tạo thành trĩ ngoại. Tuy nhiên, đây không phải hiện tượng giãn mang tính chất cơ học bình thường mà là hiện tượng mang tính chất bẩm sinh, liên quan đến yếu tố gia đình.

Trên toàn thế giới ước tính tỷ lệ hiện mắc bệnh trĩ trong tổng dân số là 4,4%. Ở Việt nam, theo GS.TS Nguyễn Khánh Trạch có khoảng 50 % bệnh nhân đến khám vì bệnh lý hậu môn trực tràng có bệnh trĩ. Bệnh trĩ chỉ đứng thứ 3 sau các bệnh viêm loét hậu môn trực tràng. Bệnh trĩ đang có xu hướng gia tăng ở những người trẻ tuổi ( kể cả trẻ em).

2. NGUYÊN NHÂN BỆNH TRĨ

2.1. Nguyên nhân gây bệnh trĩ chính

Hiện có nhiều thuyết được đề ra để giải thích cơ chế bệnh sinh của trĩ. Hiện tại có 2 thuyết được công nhận gồm:

Thuyết huyết động học:

  • Lớp niêm mạc ống hậu môn có rất nhiều xoang mạch, vách xoang chỗ dày chỗ mỏng, có sự nối thông giữa các động mạch và tĩnh mạch.
  • Sự chảy máu trong bệnh trĩ là do rối loạn tuần hoàn tại chỗ của các mạch máu thông nối chứ không phải hoàn toàn do hiện tượng giãn các đám rối tĩnh mạch gây ra.
  • Máu chảy ra từ các bệnh nhân trĩ ở những người trĩ nặng có màu đỏ tươi thay vì màu đỏ thẫm như máu chảy ra từ tĩnh mạch.

Thuyết cơ học:

  • Các đám rối tĩnh mạch trĩ nằm ở mặt phẳng nằm ngang sâu của lớp niêm mạc. Được giữ tại chỗ bởi các dải sợi có tính chất đàn hồi.
  • Khi có hiện tượng thoái hóa keo thì các dải sợi cơ này trùng giãn dần là sa búi trĩ ra ngoài.

2.2. Đối tượng thường mắc bệnh trĩ và yếu tố nguy cơ

Ngày nay người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh trĩ. Có thể kể đến các yếu tố nguy cơ sau đây:

  • Những người từng bị bệnh trĩ đã được chữa khỏi nhưng không chú ý điều trị dự phòng.
  • Do yếu tố nghề nghiệp: Nghề nghiệp phải đứng lâu, ngồi lâu (lái xe, thợ may, nhân viên văn phòng…), người thường xuyên mang vác nặng… sẽ tạo áp lực lên trực tràng hậu môn và gây trĩ.
  • Do thói quen ăn uống sinh hoạt hàng ngày: Những người có thói quen ăn uống khô khan, thiếu chất xơ, ăn nhiều gia vị cay, nóng, thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, đồ chiên rán, đồ nướng. Sử dụng nhiều rượu bia, cà phê, thuốc lá.
  • Do độ tuổi: tuổi già kèm theo giảm nhu động ruột, bị táo bón thường xuyên, độ đàn hồi của cơ, dây chằng và mạch máu đều giảm.
  • Do bệnh lý đường tiêu hóa: Các rối loạn đại tiện như táo bón, tiêu chảy, lỵ, viêm đại tràng… hoặc các bệnh gây tăng áp lực ổ bụng như u bướu, viêm…
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn: Nếu nhiều lần sẽ làm cho đám rối tĩnh mạch trĩ sưng to lên gây trĩ nội.
  • Một số nguyên nhân khác: phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh… do quá trình mang thai sử dụng viên sắt dẫn đến táo bón kéo dài. Quá trình sinh đẻ phải rặn nhiều cũng là một trong các yếu tố nguy cơ dẫn đến trĩ.
  • Di truyền, bị u bướu vùng hậu môn trực tràng: Trong gia đình có người bị trĩ, ít hoạt động, có khối u vùng hậu môn trực tràng gây cản trở hồi lưu tĩnh mạch làm cho đám rối tĩnh mạch trĩ to lên.

bệnh trĩ

3. BIỂU HIỆN CỦA BỆNH

Trĩ có khá nhiều triệu chứng gây bất tiện cho người bệnh. Dưới đây là cách mà người bệnh và các bác sỹ phát hiện ra búi trĩ:

  • Người bệnh tự nhận biết bệnh trĩ: Cảm giác khó chịu vùng hậu môn, trực tràng. Sờ thấy khối trĩ sa ra bên ngoài. Khi đi ngoài thường thấy máu tươi ra nhiều hoặc ít.
  • Bác sỹ thăm khám: Nếu búi trĩ to và sa ra ngoài thì có thể quan sát được. Thăm khám hậu môn trực tràng sờ được búi trĩ di động theo ngón tay khám, búi trĩ mềm. Đôi khi có máu theo tay nếu chảy máu búi trĩ.
  • Nội soi hậu môn trực tràng: Có tính quyết định để chẩn đoán, phân loại mức độ trĩ, loại trừ các bệnh khác ở vùng hậu môn trực tràng và đưa ra phương án điều trị.

Trong các dấu hiệu bệnh có 2 triệu chứng chính đưa người bệnh đi khám chính là chảy máu và sa búi trĩ.

Chảy máu:

  • Là dấu hiệu bệnh sớm và thường gặp nhất.
  • Lúc đầu chảy máu rất kín đáo, tình cờ phát hiện khi nhìn vào giấy chùi vệ sinh sau khi đi đại tiện. Hoặc có khi nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn.
  • Về sau mỗi khi đi đại tiện phải rặn nhiều vì táo bón thì có hiện tượng máu chảy thành giọt hoặc thành tia.
  • Muộn hơn mỗi lần đi lại nhiều hoặc ngồi xổm lâu là lại bị chảy máu.
  • Thậm chí có trường hợp máu chảy ra từ trực tràng đọng lại đến khi đi đại tiện thấy có cục máu đông.

Sa búi trĩ:

  • Thường xảy ra muộn hơn sau thời gian dài đi ngoài có kèm theo chảy máu.
  • Lúc đầu có thể sờ thấy khối nhỏ lồi ra sau mỗi lần đi đại tiện và tự co lên.
  • Dần dần khối sa này thường xuyên nằm ngoài hậu môn.

4. PHÂN ĐỘ BỆNH TRĨ

Bệnh trĩ được chia thành các loại: trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp

Trĩ nội:

Được hình thành khi các xoang tĩnh mạch trĩ trên đường lược phồng to. Có 4 cấp độ:

  • Ttrĩ nội độ 1: Búi trĩ được hình thành chỉ phình lên, không sa ra ngoài. Có thể đi ngoài ra máu.
  • Trĩ nội độ 2: Búi trĩ sa ra ngoài khi đại tiện, sau lại đó tự tụt vào.
  • Trĩ nội độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài nhiều hơn khi đi ngoài và khó tụt vào. Người bệnh phải dùng tay ấn thì búi trĩ mới vào lại được.
  • Trĩ nội độ 4: Búi trĩ sa và thường xuyên ở ngoài hậu môn. Lấy tay ấn trĩ không vào lại được.

Trĩ ngoại :

Được hình thành khi các xoang tĩnh mạch ở dưới đường lược phồng to, thường được che phủ bởi niêm mạc hoặc da ở rìa hậu môn. Bệnh trĩ ngoại có các cấp độ sau :

  • Cấp độ nhẹ: Cảm giác bị cộm, vướng ở hậu môn. Có thể búi trĩ bị sưng to, xoắn lại và gây đau rát, bất tiện cho người bệnh khi sinh hoạt.
  • Cấp độ nặng: Búi trĩ lớn, nằm ngay lỗ hậu môn, rất bất tiện cho bệnh nhân khi đại tiện và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Trĩ hỗn hợp:

  • Là trên cùng một bệnh nhân xuất hiện cả trĩ nội và trĩ ngoại, khi mà búi trĩ đã kéo dài từ trong ra ngoài.
  • Khi trĩ sa bị nghẹt sẽ thấy búi trĩ có 2 phần: Phần trên màu đỏ tươi, ướt. Phần dưới đỏ thẫm, khô. Ở giữa có rãnh tương ứng với đường lược.

5. BỆNH TRĨ ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Việc điều trị bệnh trĩ sẽ đưa quyết định dựa vào mức độ bệnh:

5.1. ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA:

  • Chỉ định: Áp dụng cho trĩ nội độ 1 và 2.
  • Gồm có thuốc uống, thuốc đặt hậu môn dạng viên đạn, thuốc mỡ bôi ngoài.
  • Thuốc điều trị trĩ thường chứa các thành phần có tác dụng làm vững bền thành tĩnh mạch. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, thuốc trị táo bón… Người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ định và kiên trì dùng thuốc kéo dài đủ thời gian.
  • Thuốc cho tác dụng tại chỗ (các thuốc mỡ bôi ngoài hay thuốc đạn đặt trong hậu môn) thường dùng các chất bôi trơn, các chất làm mềm và dịu da (muối bismuth, kẽm oxid, resorcinol…), thuốc tê (như lidocain) để giảm đau, chất bổ dưỡng làm tổn thương mau lành. Khi không có nhiễm khuẩn, có thể kết hợp dùng thêm thuốc bôi chống viêm corticosteroid, thuốc bôi kết hợp này chỉ dùng trong thời gian ngắn.
  • Các bài thuốc đông y tỏ ra khá hiệu quả với các trường hợp trĩ độ 1 và trĩ độ 2. Với lịch sử lâu đời và độ an toàn trong điều trị hiện phương pháp sử dụng Đông y điều trị trĩ nhẹ được người bệnh lựa chọn nhiều.

5.2. Điều trị ngoại khoa

Các thủ thuật ít xâm lấn là cách trị bệnh trĩ độ 1, 2, 3

  • Tiêm xơ búi trĩ
  • Đông nhiệt bằng tia hồng ngoại lên các búi trĩ.
  • Đông lạnh bằng cách áp Nitơ lỏng lên búi trĩ.
  • Thắt búi trĩ bằng vòng cao su.
  • Nong hậu môn.

Phẫu thuật là cách trị bệnh trĩ ngoại có huyết khối

  • Cắt từng búi trĩ. Là phương pháp cắt từng búi trĩ một, để lại ở giữa các búi trĩ các mảnh da – niêm mạc. Có 2 phương pháp khá phổ biến là phẫu thuật Milligan Morgan và phẫu thuật Ferguson.
  • Cắt một khoanh niêm mạc ở ống hậu môn. Phẫu thuật viên cắt khoanh niêm mạc và lớp dưới niêm mạc có các búi trĩ, sau đó kéo niêm mạc từ trên xuống khâu với da ở hậu môn. Đến nay phương pháp này đã có nhiều cải tiến để giảm biến chứng như phẫu thuật Toupet.
  • Cắt trĩ bằng phương pháp Longo. Là phẫu thuật ra đời năm 1993 với nhiều ưu điểm thời gian phẫu thuật ngắn, người bệnh ít đau sau mổ và có thể trở lại sinh hoạt bình thường sớm.

5.3. Điều trị bệnh trĩ không dùng thuốc

Ngoài các phương pháp điều trị dùng thuốc và phẫu thuật, người bệnh hoàn toàn có thể thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống để đạt được hiệu quả điều trị nhanh nhất.

  • Hạn chế các công việc nặng nhọc, thường xuyên thay đổi tư thế làm việc.
  • Giữ sạch vùng hậu môn, không rửa hậu môn quá nhiều lần trong ngày. Mỗi ngày trung bình khoảng 1 -2 lần. Nên dùng giấy mềm vệ sinh hậu môn sau khi đi vệ sinh.
  • Người bệnh trĩ không nên ăn gì? Câu trả lời của các chuyên gia là không nên ăn các loại thực phẩm cay nóng, sử dụng chất kích thích…

Bệnh trĩ là bệnh phổ biến trong cộng đồng. Để điều trị hiệu quả bệnh trĩ người bệnh nên thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với những biện pháp phòng tránh bệnh trĩ tái phát.

————————
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA VIGOR HEALTH
☎️Tel: +84 (028) 3911 5315 – (028) 3931 2889
☎️Hotline: 1900 1856
?100-102-102A-104-106-108 Trương Định, P.9, Q.3, TP.HCM

Tin liên quan


VIÊM AMIDAN Ở TRẺ – CHA MẸ CẦN BIẾT GÌ VỀ BỆNH

Thứ Sáu, 06-09-2024


U MỠ LÀ GÌ VÀ CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Thứ Ba, 27-08-2024


BỆNH TRĨ – CÁCH PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ

Thứ Sáu, 23-08-2024


THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 2/9/2024

Thứ Năm, 22-08-2024