Thời gian gần đây, mặc dù cả nước đã ở trong trạng thái bình thường mới, mọi người dần quen và có tư duy “sống cùng dịch COVID-19”. Nhưng với sự lan rộng và phát triển nhanh của biến chủng Omicron, nhiều người dù tiêm đủ 3 mũi vắc xin và từng là F0 nhưng vẫn tái nhiễm chỉ trong thời gian ngắn. Vậy tái nhiễm COVID-19 là gì? Tái nhiễm COVID-19 có phải là điều đáng lo ngại?
TÁI NHIỄM COVID-19 LÀ GÌ?
Tái nhiễm là trường hợp người bệnh mắc COVID-19 đã khỏi bệnh sau đó nhiễm lại. Thông thường, những trường hợp tái nhiễm COVID-19 sẽ có diễn biến lâm sàng nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vắc xin mà nhiễm bệnh lần đầu. Tuy nhiên, khi bị tái nhiễm COVID-19 nhiều lần, hệ miễn dịch, sức khỏe cũng như tinh thần của người bệnh sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.
CÓ KHẢ NĂNG TÁI NHIỄM COVID-19 VỚI CÁC BIẾN THỂ KHÁC NHAU HAY KHÔNG?
Việc nhiễm một biến thể COVID-19 làm cơ thể tăng khả năng miễn dịch với chủng vi-rút đó. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ không mạnh đối với các biến thể khác. Vì vậy việc tái nhiễm COVID-19 với một biến thể khác vẫn có khả năng xảy ra. Đặc biệt có trường hợp người bệnh diễn biến nặng khi tái nhiễm COVID-19 với chủng vi-rút khác.
CÁCH PHÒNG TRÁNH TÁI NHIỄM COVID-19
Nếu đã nhiễm COVID-19 không có nghĩa là bạn sẽ không tái nhiễm. Tuy nhiên việc đã nhiễm bệnh trước đó cùng với tiêm 2 đến 3 mũi vắc-xin đều đóng vai trò quan trọng. Điều này nhằm tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, giảm đáng kể trường hợp diễn biến nặng trong lần nhiễm COVID-19 tiếp theo.
Để hạn chế tái nhiễm COVID-19 bạn cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y Tế. F0 dù đã khỏi bệnh vẫn phải tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đủ liều theo mốc thời gian phù hợp để tăng khả năng bảo vệ của cơ thể. Đồng thời cần tích cực tập luyện thể thao, bổ sung dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng.
Ngoài ra đừng quên thăm khám sức khỏe sau khi đã âm tính, khỏi bệnh nhằm phòng trách nguy cơ tái nhiễm COVID-19. Bởi việc này sẽ giúp bạn nắm rõ tình trạng sức khỏe hiện tại, tầm soát các di chứng của hậu COVID-19 của lần nhiễm trước đó. Từ đó có biện pháp theo dõi, chăm sóc sức khỏe phù hợp hơn để nâng cao hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể và hạn chế nguy cơ tái nhiễm COVID-19 hoặc giảm thiểu biến chứng của lần nhiễm tiếp theo.
> Tầm quan trọng của khám sức khỏe hậu COVID-19