MẤT RĂNG – HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG
Thứ Bảy, 15-04-2023
Hai hàm răng trắng sáng, khỏe mạnh luôn là mong ước của mọi người, trái lại, nếu trong hai hàm có răng bị mất, bị hỏng, không những trông mất thẩm mỹ, mà còn gây nhiều hậu quả ảnh hưởng khôn lường tới sức khỏe.
Nói đến mất răng, chắc hẳn đây là vấn đề không còn lạ gì với nhiều người, đặc biệt là với người lớn tuổi. Thế nhưng những hậu quả của mất răng không phải ai cũng lường trước và phòng ngừa được. Bài viết này chủ yếu nói về những hậu quả của mất răng vĩnh viễn.
1. Nguyên nhân gây mất răng không thể chỉ đổ cho lý do tuổi tác mà còn do rất nhiều nguyên nhân khác:
- Bệnh sâu răng không được chữa trị kịp thời :Khi răng bị sâu, bệnh sâu răng sẽ phá hủy mô cứng của răng ( men và ngà răng ) và tác động đến tủy răng , gây ra những bệnh lý ở tủy răng và trầm trọng hơn là vùng quanh chóp răng. Nếu như không được chữa trị kịp thời răng sẽ mất chất nhiều, không còn khả năng phục hồi lại thì phải nhổ bỏ răng.
- Bệnh nha chu không được chữa trị :Bệnh nha chu sẽ phá hủy mô nha chu làm cho răng lung lay nhiều và không còn được giữ vững trên xương hàm, gây trở ngại cho việc thực hiện chức năng và làm cản trở việc lành thương ở vùng xung quanh .
- Những chấn thương vùng hàm mặt : Do tai nạn làm gãy xương hàm, gãy răng, chấn thương răng …
- Những bệnh , tật của xương hàm : Như ung thư vùng hàm mặt, u nang vùng hàm mặt … có thể chèn ép gây tiêu xương làm lung lay răng dẫn đến mất răng. Hoặc trước khi xạ trị vùng đầu cổ cần nhổ các răng sâu lớn, các răng bị nha chu hay các răng lệch lạc … để phòng ngừa các biến chứng sau xạ có liên quan đến răng, hàm.
- Những răng mọc lệch lạc cần phải nhổ : Vì gây tổn thương mô mềm hay vì lý do thẩm mỹ hoặc do yêu cầu của chỉnh hình răng …
- Do bẩm sinh: Tức là khi sinh ra đã không có răng mọc tại những vị trí cố định đó rồi
2. Những hậu quả thường gặp của mất răng:
- Mất thẩm mỹ: Đây là thiệt thòi dễ nhận ra nhất dù chỉ mất một chiếc răng, đặc biệt nghiêm trọng hơn khi đó là các răng trước (răng cửa, răng nanh)
- Khó khăn trong việc ăn nhai: Nếu bị mất răng, nhất là răng cối, lực nhai giảm sút nên không thể nghiền nhỏ viên thức ăn, dẫn đến khó khăn trong việc tiêu hóa và hạn chế hấp thu chất dinh dưỡng ở dạ dày và ruột. Điều này dẫn đến nguy cơ mắc bệnh về tiêu hóa của người mất răng cao hơn người bình thường. Mặt khác, việc mất răng buộc bệnh nhân phải chọn những thức ăn mềm hơn, những thức ăn này đôi khi không nằm trong sở thích dẫn đến việc không hợp khẩu vị, gây ra tình trạng chán ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Hiện tượng tiêu xương ở vùng mất răng: Lực nhai tác động lên răng gây ra sự kích thích đối với vùng xương hàm xung quanh răng. Chính sự kích thích này giúp duy trì mật độ xương. Nếu răng bị mất, lực tác động không còn, xương hàm sẽ bị tiêu dần theo cả chiều cao và chiều rộng. Khi xương hàm ngày càng tiêu bớt đi, dây thần kinh hoặc xoang hàm càng gần niêm mạc miệng. Hiện tượng này gây khó khăn không nhỏ cho việc thực hiện và duy trì các loại phuc hình.
- Lão hóa sớm: Xương hàm có tác dụng nâng đỡ toàn bộ cấu trúc khuôn mặt. Khi xương hàm bị tiêu do mất răng, hai má hóp vào, da mặt bị chảy xệ, vùng da xung quanh miệng xuất hiện các nếp nhăn làm cho khuôn mặt trông già đi rất nhiều so với tuổi thật.
Ngoài ra mất răng còn gây:
- Xáo trộn khớp cắn: Răng mất để lại vị trí trống trên cung hàm, các răng bên cạnh sẽ có xu hướng lấn sang và các răng đối đầu sẽ trồi vào vị trí này khiến răng trở nên lộn xộn, thiếu ngay ngắn, gây mất thẩm mỹ chung cho toàn hàm. Hậu quả là gây nhồi nhét thức ăn dễ làm sâu răng, cản trở hoạt động nhai và là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng loạn năng thái dương hàm, đau vùng thái dương, đau đầu, mỏi hàm, mỏi cổ, nghiến răng… Đặc biệt, nếu trường hợp các răng sau bị mất sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn. Lực nhai sẽ tập trung vào vùng răng trước làm cho chúng bị quá tải và có nguy cơ chìa ra ngoài hoặc vào trong gây tình trạng hô, móm. Theo thời gian, khoảng trống răng cửa hình thành, làm ảnh hưởng đến vẻ thẩm mỹ của khuôn mặt. Việc quá tải lực còn khiến các răng bị lung lay và đôi khi cần phải nhổ bỏ.
- Ảnh hưởng đến xoang hàm: Khi mất răng nanh và các răng sau hàm trên, xương hàm tiêu dần, xoang hàm bắt đầu mở rộng ra và phá hủy xương hàm từ trong ra ngoài gây khó khăn cho việc thực hiện các loại phục hình (đặc biệt là implant)
- Ảnh hưởng đến phát âm: Khi mất răng trước, tương quan cân bằng giữa Răng-Môi-Lưỡi bị phá vỡ làm cho người bệnh phát âm không chuẩn, có thể bị ngọng.
3. Dự phòng hậu quả do mất răng:
- Để dự phòng hậu quả do mất răng, điều đầu tiên quan trọng nhất là phải giữ gìn răng thật cẩn thận nếu chưa mất răng, vệ sinh răng miệng thật tốt, đi khám răng định kì mỗi sáu tháng để được cạo vôi răng, phát hiện sớm và giải quyết những bất thường về răng miệng, đồng thời được tư vấn về các giải pháp giữ gìn sức khỏe răng miệng thích hợp. Ngoài ra khi có bất kì vấn đề nào về răng miệng như nhét thức ăn, ê buốt, mỏi cơ hàm hay đau nhức răng… nên nhanh chóng đến gặp nha sĩ của bạn để được điều trị kịp thời.
- Nếu đã bị mất răng, cần đến các trung tâm nha khoa có uy tín càng sớm càng tốt để được khám, tư vấn và thực hiện các biện pháp phục hồi thích hợp nhằm dự phòng các hậu quả về sau.
HOẶC bạn có thể tham khảo các biện pháp phục hồi tại Phòng khám Đa khoa Vigor Health nhé:
CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI:
-
Thưa bác sĩ, em bị mất 1 chiếc răng cửa hàm trên do tai nạn. Em muốn trồng răng loại cố định thì loại nào là thích hợp? Xin bác sĩ tư vấn giúp em. Cám ơn bác sĩ.
Trần Văn Cường _ 22t _ Tp. HCM
Chào Cường. Đầu tiên xin cám ơn bạn vì câu hỏi. Phục hình cố định cho trường hợp mất 1 răng có 2 loại: Implant nha khoa và cầu răng. Mỗi loại đều có những ưu khuyết điểm riêng. Hiện nay thì Implant là tiên tiến và tối ưu hơn. Tuy nhiên vì bạn bị mất răng do tai nạn nên nếu có những tổn thương xương có thể gây khó khăn cho việc thực hiện Implant, còn nếu các răng bên cạnh khoảng mất răng bị tổn thương sẽ gây trở ngại cho việc thực hiện cầu răng. Do đó tốt nhất bạn nên đến các trung tâm nha khoa uy tín để được khám kiểm tra và tư vấn kĩ hơn nhé.
-
Chào bác sĩ, cách đây 6 năm tôi bị mất các răng hàm hàm dưới và 2 răng hàm hàm trên do sâu răng vỡ lớn phải nhổ bỏ, sau đó tôi có làm cầu răng hàm trên và hàm nhựa tháo lắp hàm dưới để đeo. 3 năm trước hàm giả bị gãy nhưng vì quá bận công việc nên tôi không đi làm lại được. Đến nay các răng lộn xộn, răng cửa thưa kẽ, một vài răng hàm dưới bị lung lay và tụt nướu. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cần phải làm gì. Cám ơn.
Chị Phạm Thị Thu Vân _ 47t _ Thái Bình
Chào chị Vân. Rất cám ơn chị, câu hỏi rất hay. Trường hợp của chị là khá tiêu biểu cho thấy những hậu quả của mất răng lâu ngày không được phục hồi. Trường hợp này khá phức tạp, do đó đòi hỏi cần phải có một kế hoạch điều trị kĩ lưỡng và chính xác. Có thể nhổ các răng lung lay quá nhiều, nẹp các răng lung lay ít, mài chỉnh hoặc bọc mão những răng lệch lạc, trám hoặc bọc mão các răng thưa kẽ nếu cần thiết và làm lại hàm giả tháo lắp hoặc cắm Implant. Chị nên đến các trung tâm nha khoa đáng tin cậy càng sớm càng tốt để được khám và tư vấn chi tiết hơn về kế hoạch cũng như chi phí điều trị nhằm đạt được kết quả tốt nhất phù hợp với điều kiện của mình chị nhé.
Nguồn: Phòng khám đa khoa Vigor Health